KỂ CHUYỆN TƯỞNG TƯỢNG
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
1. Kể chuyện tưởng tượng
là gì?
a) Kể tóm tắt truyện ngụ
ngôn Chân, Tay, Tai, Mắt,
Miệng và cho biết những gì được
tưởng tượng trong câu chuyện này?
Gợi ý:
- Tóm tắt câu chuyện: Cô
Mắt, cậu Chân, cậu Tay, bác Tai tị với lão Miệng rằng lão chẳng làm gì mà lại
được ăn ngon. Họ quyết định không làm gì nữa, để lão Miệng không có gì ăn cả.
Qua ba ngày, cả bọn thấy mệt mỏi, rã rời. Đến ngày thứ bảy, không thể chịu được
nữa, Chân, Tay, Tai, Mắt mới vỡ lẽ ra là lão Miệng có ăn thì chúng mới khoẻ
khoắn được. Cuối cùng, chúng cho lão Miệng ăn và cả bọn lại sống với nhau gắn
bó, hoà thuận như xưa.
- Từ các bộ phận của cơ
thể, người ta tưởng tượng thành những nhân vật có tên riêng, biết đi lại, nói
năng như những con người hoàn chỉnh, có nhà ở. Câu chuyện tị nạnh giữa Chân,
Tay, Tai, Mắt với Miệng cũng không thể có thật.
b) Hư cấu, tưởng tượng
chỉ có giá trị khi nó nhằm thể hiện điều gì đó có ý nghĩa đối với cuộc sống
thực, làm rõ sự thật nào đó của cuộc sống con người. Em hãy chỉ ra điều này
trong truyệnChân, Tay, Tai, Mắt, Miệng.
Gợi ý:
Từ câu chuyện bịa đặt, tưởng tượng dựa trên sự thực các bộ phận trong cơ thể là
một thể thống nhất, tất cả các bộ phận đều liên quan, phụ thuộc lẫn nhau, người
ta muốn khẳng định rằng: trong cuộc sống, con người phải nương tựa lẫn nhau,
không thể sống mà tách rời với những người khác.
c) Như vậy, kể chuyện
tưởng tượng là dựa trên một phần sự việc có thật, có ý nghĩa nào đó người
kể dùng trí tưởng tượng của mình sáng tạo ra câu chuyện mới mẻ, không có
thực nhưng hợp lí, thú vị, có ý nghĩa đối với cuộc sống.
Nhìn chung, kể chuyện bao
giờ cũng cần đến trí tưởng tượng. Tuy nhiên, tuỳ theo từng chủ đề cụ thể, với
dụng ý cụ thể mà tưởng tượng, hư cấu được sử dụng với mức độ khác nhau.
2. Cách kể một câu chuyện
tưởng tượng
a) Đọc truyện Sáu
con gia súc so bì công lao và
cho biết:
- Người ta đã tưởng tượng
những gì trong truyện này?
- Dựa trên cơ sở sự thật
nào để tưởng tượng?
- Tưởng tượng như vậy để
làm gì?
Gợi ý:
- Yếu tố tưởng tượng: sáu
con gia súc nói được tiếng người, chúng kể công và kể khổ.
- Câu chuyện tưởng tượng
dựa trên sự thực: đặc điểm riêng về cuộc sống, hoạt động của mỗi giống gia súc.
- Câu chuyện tưởng tượng
về sự so bì của các giống gia súc nhằm: khẳng định về ích lợi riêng của mỗi
giống gia súc đối với cuộc sống con người; ngầm khuyên răn con người không nên
cho mình là quan trọng hơn người khác, trong cuộc sống mỗi người mỗi việc,
không nên so bì.
b) Các truyện Chân,
Tay, Tai, Mắt, Miệng, Sáu
con gia súc so bì công lao, Giấc
mơ trò chuyện với Lang Liêu có
bố cục như thế nào, có giống với một bài tự sự thông thường không?
c) Như vậy, kể chuyện
tưởng tượng, người kể một mặt vẫn phải đảm bảo bố cục ba phần của một bài văn
tự sự; mặt khác, dựa trên một phần sự thực nhất định nào đó, phát huy trí tưởng
tượng để sáng tạo ra nhân vật, sự việc, câu chuyện không có thực nhằm hấp dẫn
người đọc (người nghe), thể hiện ý nghĩa nào đó đối với con người trong đời
sống thực.
II. RÈN LUYỆN KĨ
NĂNG
1. Đọc bài Giấc
mơ trò chuyện với Lang Liêu và
thực hiện yêu cầu sau:
a) Tóm tắt những sự việc
chính của bài văn;
b) Tác giả đã tưởng tượng
ra những gì trong bài văn này?
c) Tưởng tượng như vậy
nhằm mục đích gì?
2. Tham khảo một số đề
văn, lập dàn ý cho một đề tuỳ chọn.
Lưu ý:
- Bố cục của bài văn: bố
cục ba phần (Mở bài, Thân bài, Kết bài)
- Tưởng tượng ra các nhân
vật.
- Tưởng tượng ra câu
chuyện: các sự việc, diễn biến các sự việc, kết quả.
- Chủ đề của câu chuyện
mà mình tưởng tượng: nhằm khẳng định điều gì, phê phán điều gì, ca ngợi ai, cái
gì?
- Yêu cầu chung: mặc dù
có thể phát huy tối đa khả năng tưởng tượng nhưng vẫn phải đảm bảo sự hợp lí,
chẳng hạn: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn thì không thể biết nói tiếng người
(người kể đã tưởng tượng ra) nhưng rõ ràng mỗi con vật đã thể hiện đúng đặc
điểm thực của chúng như chúng ta vẫn thấy hàng ngày (ví dụ đặc điểm cuộc sống
của trâu: Sớm tinh mơ đã bị gọi dậy đi cày, đi bừa, ách khoác lên vai, dây chão
sâu đằng mũi,...)
3. Tham khảo bài viết
sau:
Với cốt truyện Sơn Tinh và Thủy Tinh, bạn hãy viết truyện để người khác xem.
VUA HÙNG KÉN RỂ
Vào đời Hùng Vương thứ XVIII, có nàng công chúa Mị Nương dáng đẹp tuyệt trần, tính tình vui vẻ chan hòa dịu hiền. Nàng đã đến tuổi cập kê, vua cha muốn kén cho nàng một người chồng thật xứng đôi.
Ngày mở hội cầu hôn, các chàng trai đến thi tài với nhau để cho vua xem cuối cùng chỉ còn hai người làm hài lòng vua. Sơn Tinh tài ít nhưng đức cao vời vợi, chàng làm cho đất được phì nhiêu nhờ tài tạo ra những ngọn núi lửa phu trào phù sa từ trong lòng đất. Thủy Tinh tài trí phi thường, tạo mưa cho muôn loài tươi tốt, tạo gió thổi mát cho mọi người, tạo sóng để đưa những con thuyền ra khơi. Vua Hùng băn khoăn không biết nhận lời ai, từ chối ai bèn cho Lạc hầu vào để bàn bạc. Xong vua phán:
Hai chàng đều vừa ý ta, nhưng ta chỉ có một người con gái, biết gả cho người nào? Thôi thì ngày mai hai chàng tiếp tục thử tài chuẩn bị sính lễ, ai vừa lòng Mị Nương, ta sẽ cho cưới con gái ta.
Hai chàng thưa: đồ sính lễ đức vua cần sắm những gì, vua bảo: " Những gì làm đẹp lòng dân".
Hôm sau Sơn Tinh đem sính lễ gồm những viên đá quí lấp lánh mà chàng lấy được từ trong lòng đất và những gói dung nham đầy mầu mỡ lấy từ trong ngọn núi lửa. Còn Thủy tinh mang đầy những viên ngọc trai, những kho báu chàng lấy từ lòng biển cả, Thủy Tinh nghĩ chắc phần thắng về với mình vì mình có tất cả biển cả mênh mông và rồi chàng cho sấm sét đi theo dẫn đường làm áp đảo tinh thần đối phương. Khi đến nơi chàng cho từng ngọn gió thổi nhè nhẹ vuốt vẻ lên nàn da mịn màng của Mị Nương.
Vua cha nói: Hai chàng trai này làm đẹp lòng ta mọi đàng, tùy con định đoạt hạnh phúc cho riêng mình.
Mị Nương là công chúa nết na và thông minh đã chọn Sơn Tinh làm chồng của mình vì chàng tuy tài ít nhưng có đức độ khó ai sánh bì, chàng đi vào lòng đất tìm những hạt phù sa làm tốt tươi cho đời. Còn Thủy Tinh tài trí hơn người nhưng chỉ biết dùng của người khác làm ra mà không biết tìm, tạo ra những sản vật có giá trị cho đời.
Quyết định của Mị Nương được vua cha khen ngợi và người tuyên bố Sơn Tinh là chàng rể của ta. Thủy Tinh bị tổn thương vì chàng cho rằng tài trí ở trần gian này không ai có thể sánh nổi với mình, thế là chàng nổi lòng tức giận cho sấm sét gầm thét rung động cả đất trời, những ngọn gió se mát nàn da nàng giờ trở thành những trận cuồng phong bão táp.
Những trận mưa xối xả làm bạc màu những vùng đất cao trôi dạt xuống miền xuôi, những trận lũ quét đi tất cả những gì đang tươi tốt.
Từ đó nhớ thương và tiếc Mị Nương, hàng năm Thủy Tinh làm mưa gió, bão lụt dâng cao, sấm sét gầm thét vang rền, lũ càn quét màu mỡ của vùng núi cao xuông miền xuôi.
( Theo Phạm Lê Gia Anh)
Đề bài: Trong nhà em có
ba phương tiện giao thông: xe đạp, xe máy và ô tô. Chúng cãi nhau, so bì hơn
thua kịch liệt. Hãy tưởng tưởng và kể lại cuộc cãi nhau đó.
Bài làm
Trong nhà tôi có ba
phương tiện giao thông là bác ô tô, chú xe máy và anh xe đạp. Một hôm, trời
nóng bức, tôi leo lên người bác ô tô mở tung hết cánh cửa xe ra để nằm cho mát.
Tôi chợt nghe thấy có tiếng rên rỉ của bác ô tô: "Kít! Kít! Đau quá! Đau
quá!".
Nghe thấy tiếng bác ô tô
rên rỉ, anh xe đạp ở bên cạnh thì thầm với chú xe máy:
- Bác ô tô sướng thật,
suốt ngày nằm ở nhà, chẳng vất vả gì. Thỉnh thoảng, nhà chủ phải đi bốc hàng
thì mới phải đi còn những ngày thường thì được tắm rửa sạch sẽ, có khi còn được
mua quần áo mới cho nữa. Chẳng bù cho tôi, tôi là người khổ nhất, người tôi gầy
gò, ốm yếu nhất trong ba người, thế mà ngày nào cũng phải cùng ông chủ tập thể
dục vào buổi chiều, ngày nào cũng phải đi bốn, năm cây số chứ ít gì đâu. Chân
tay tôi lúc nào cũng ra rời. Có lần chân tay còn bị chảy máu vì dẫm phải đinh
hay vấp hòn đá nhọn giữa đường, ông chủ phải mang tôi đi băng bó vết thương cho
lành lại. Bác ô tô mới có thế mà đã kêu toáng cả lên.
Bác ô tô nghe thấy nhưng
vẫn lờ đi, coi như không có chuyện gì cả. Được thể, chú xe máy lên tiếng:
- Ừ, chẳng bù cho tôi
suốt ngày phải làm việc, luôn chân luôn tay, chẳng mấy khi được nghỉ ngơi. Buổi
sáng thì chở cô chủ đến trường, trưa về lại cùng bà chủ ra chợ, đến chiều bà
chủ lại bắt mang hàng đi cất. Đợt vừa rồi, chắc làm việc quá sức nên tôi bị ốm,
ông chủ bà chủ không mang hàng đi cất được, buộc phải chờ tôi khoẻ hẳn. Tuy tôi
to hơn anh thật đấy nhưng lại phải làm việc nặng hơn, nhiều hơn. Trong số chúng
ta, tôi mới là người khổ nhất.
Bác ô tô nghe thấy hết,
không chịu được nữa, định cho mỗi người một cái bạt tai nhưng may là bác ấy
trấn tĩnh lại được, chứ không thì... Bác nghĩ mình là người có tuổi, không nên
làm như vậy, chi bằng giải thích để mọi người hiểu. Bác ô tô cất giọng từ tốn
và nghiêm khắc nói:
- Các anh vừa nói gì với
nhau tôi đều đã nghe thấy cả. Nhưng tôi thắc mắc là, chẳng hiểu các nhà nghiên
cứu đã phát minh ra chúng ta làm gì cơ chứ? Họ bỏ công sức và tiền của làm ra
chúng ta là để làm cảnh hay sao? Chẳng nhẽ chúng ta lại là một lũ vô tích sự?
Sau những câu hỏi của ô
tô đưa ra, xe đạp và xe máy liếc nhìn nhau, mặt người nào người nấy đỏ bừng,
không nói được câu nào. Bác ô tô lại nói tiếp:
- Các nhà nghiên cứu phát
minh ra chúng ta để phục vụ cho cuộc sống con người, giúp con người thuận tiện
hơn khi đi lại, mua bán, giao tiếp. Còn bản thân tôi, tôi cũng phải làm việc,
thậm chí là những công việc nặng nhọc, nhiều hơn các anh. Mà nào tôi có hé răng
kêu ca với ai, thỉnh thoảng có đau mỏi quá thì kêu lên một mình đấy thôi! Phải
biết rằng con người vất vả lắm mới kiếm ra được hạt cơm hạt gạo chứ chẳng ai
không dưng lại có mà ăn!
Nói xong, bác ô tô ho lấy
ho để. Thấy thế, anh xe đạp và chú xe máy vội chạy lại xoa bóp cho bác ô tô và
xin lỗi rối rít.
Từ đó họ không còn kêu
ca, phàn nàn nữa, ai cũng cố gắng làm việc.
(Nguyễn
Thị Như Nguyệt)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét