GÓC HỌC TẬP LỚP 7

Trang

Trang

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Siêng năng, kiên trì

Hãy giúp em học tốt bài này !
email: phamlegiaanh@gmail.com
hoặc: mainhayeuthuong1@gmail.com
hoặc dẫn đường link ở phần NHẬN XÉT BÀI ĐĂNG.


Năm 1961 về thăm quê hương lần thứ hai, nói chuyện với các cụ già, Bác tâm sự và cũng là nhắc nhở: “Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt đảng viên già phải cố gắng mà học. Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn việc nhỏ tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau..."

Bác Hồ đang làm việc tại tầng 2 nhà sàn
Bác Hồ đang làm việc tại tầng 2 nhà sàn
Tôi xin bắt đầu bằng một câu chuyện nhỏ cảm động, khó quên và đáng để cho nhiều người phải suy nghĩ. Đó là chuyện đồng chí Vũ Kỳ kể: Vào tối ngày 27 tháng 8 năm 1945, lúc này đồng chí Vũ Kỳ đã được Thường vụ Trung ương Đảng chọn là thư ký phục vụ Bác. Bác đọc cho đồng chí Vũ Kỳ ghi lại một bức thư bằng tiếng Pháp, Bác xem và sửa một vài chỗ, nhân đó vui miệng hỏi đồng chí Vũ Kỳ: Chú có biết Bác học chính thức ở nhà trường hết lớp mấy không? Rồi tự trả lời luôn: Bác học chính thức trên ghế nhà trường chỉ hết lớp Nhì của bậc Tiểu học.

Đến nay qua nhiều nguồn tài liệu, chúng ta đã chứng minh được rằng Bác học lớp Tư ở trường Tiểu học Pháp bản xứ Vinh, do chưa học hết năm học phải đi theo cha vào Huế nên đến Huế Người học lớp Tư và lớp Ba tại trường Tiểu học Pháp – Việt Huế (tức trường Tiểu học Đông Ba); Năm học 1908 – 1909 Người học lớp Nhì trường Quốc học Huế (trường Quốc học Huế giảng dạy theo một chương trình riêng và học sinh được tuyển vào cũng theo tiêu chuẩn riêng). Lớp Nhất Người học với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ ở Quy Nhơn. Sau đó Người đi vào Phan Thiết dạy học một thời gian ngắn ở trường Dục Thanh. Sau Tết âm lịch năm Tân Hợi (1911) Người vào Sài Gòn và đầu tháng 6 năm 1911 Người đi sang Pháp để “xem họ làm ăn như thế nào rồi trở về giúp đồng bào”.

Từ đó, Người đã say sưa và miệt mài tự học, và cần nhất lúc ấy là ngoại ngữ.

Theo tác giả Trần Dân Tiên trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, khi làm phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Trêville: “Mỗi ngày 9 giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng trong khi chúng tôi (những người Việt Nam làm công trên chuyến tàu) ngủ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm”.

“Vài ngày sau tàu rời bến, có hai hành khách, hai người lính giải ngũ trở về Pháp. Tôi không hiểu tại sao hai anh này đã trở nên bạn thân của anh Ba. Họ giúp anh nhặt rau và buổi tối họ cho anh mượn những quyển sách nhỏ, dạy cho anh đọc và viết”.

Những ngày làm vườn cho ông chủ tàu ở Saint Adresse “anh học tiếng Pháp với cô sen”.

Những ngày sống ở Anh, “hàng ngày buổi sáng sớm và buổi chiều anh Ba ngồi trong vườn hoa Hayden, tay cầm một quyển sách và một cái bút chì. Hàng tuần, vào ngày nghỉ anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người ý”.

… “Ngoài những cuộc đi xem để học, anh không thích chơi bời gì khác.”

Bài học đầu tiên về tự học ở Bác là tranh thủ thời gian và học với bất kỳ người nào. Năm 1968, khi làm việc về sách người tốt việc tốt, Bác nói: “Một người phải biết học nhiều người!” là một câu tổng kết rất có ý nghĩa.

Nhờ học tập, trình độ ngoại ngữ của Bác đã nâng lên nhanh chóng. Nếu năm 1919 bản Yêu sách 8 điểm Bác còn phải nhờ luật sư Phan Văn Trường thể hiện, thì đến giữa năm 1920, Bác đã viết được cuốn sách Những người bị áp bức bằng tiếng Pháp và nhờ Marcel Cachin đề tựa… Bác còn viết bài cho các báo Le Populaire, L’Humanité v.v…

Trước khi sang Đức để đi Liên Xô, Bác lại học tiếng Đức. Ngày 14 tháng 1 năm 1964, nói chuyện với cán bộ ngoại giao, Bác nói: “Ở Đức thì điều kiện học hành có khá hơn, biết tiếng Pháp và tiếng Anh nên học cũng chóng hơn”.

Thời kỳ Bác ở Nga, Bác có quen biết một hoạ sĩ người Thuỵ Điển tên là Erich Giôhanxơn. Khi Bác còn sống, ông Giôhanxơn đã viết về Bác như sau: “Trong thời gian gặp nhau ngắn ngủi khoảng 4 tháng, Người đã học được rất nhiều tiếng Thuỵ Điển và Người đã có thể làm cho người Thuỵ Điển hiểu một cách dễ dàng” (báo Buổi chiều, Thuỵ Điển ngày 26.12.1967).

Trong bản khai lý lịch tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản họp ở Mátxcơva vào tháng 7 và 8 năm 1935, Bác Hồ với bí danh là Lin đã khai ở mục thứ 18, biết “tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông, tiếng ý, tiếng Đức”

Qua các tài liệu khác, chúng ta biết được Bác còn biết tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha… Trong các tiếng đó có những thứ tiếng Bác rất uyên thâm…

Bác từng nói: “Biết tiếng nước người ta dễ gây cảm tình lắm, gặp người dân thường mình cũng nói chuyện được dăm ba câu, nói được thì gây ảnh hưởng tốt lắm!”

Đến những năm tuổi đã cao, Bác vẫn học theo cách “tằm ăn dâu” đó. Đọc Nhân dân nhật báo Trung Quốc, gặp chữ nào mới, Bác vẫn ghi vào để học, có những danh từ khoa học không tra được trong từ điển thông thường, Bác viết thư hỏi ông Văn Trang (Bác thường viết tắt là V.T) làm ở sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội nhờ giải nghĩa cho Bác từ ngữ ấy. Trước khi Bác đi thăm Inđônêxia, Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Hunggari… Bác đều ghi để học một số câu nói thông thường nhất.

Bác không chỉ học ngoại ngữ mà còn học, hay nói đúng hơn là nghiên cứu nhiều lĩnh vực như lý luận, lịch sử, văn học, triết học, khoa học kỹ thuật, văn hoá v.v… để vận dụng vào sự nghiệp cách mạng.

Viết về đạo đức Bác nhắc đến “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, “Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” v.v… vốn là tư tưởng của Khổng Tử, nhưng như lời Bác nói là đã mang nội dung mới, ý nghĩa mới.

Viết về giáo dục, Bác mượn ý của Quản Trọng:

Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.


Đả thông tư tưởng cho tướng Nguyễn Sơn, một người cộng sự, đồng thời cũng được Bác coi như một người em, Bác dùng 12 chữ của ông Tôn Tự Mạo

Đảm dục đại
Tâm dục tế (nguyên văn, Tôn Tự Mạo dùng chữ “tiểu”)
Trí dục viên
Hành dục phương


Đọc các sách lịch sử (như Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông), ngôn ngữ, văn học Người đều đánh dấu những vấn đề Người quan tâm hoặc ghi chép lại những ý mà Người tâm đắc.

Là người lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bác rất chú ý đọc và học kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là Trung Quốc, một nước láng giềng có hoàn cảnh giống ta.

Bác đã đọc lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, các báo cáo chính trị của các Đại hội của Đảng bạn, các báo cáo về Kế hoạch 5 năm, một số sách chuyên đề như nông nghiệp, hợp tác xã v.v… Qua dấu bút tích có thể thấy được Người quan tâm đến những kinh nghiệm của bạn gắn với từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam.

Bác đã nêu một tấm gương về tự học, tự nghiên cứu bền bỉ suốt cuộc đời. Và Bác cũng mong mọi người đảng viên cán bộ phải học.

Bác đã từng khuyên: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị, mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”.

“Trong thời kỳ kháng chiến, mặt trận chính của chúng ta là đánh giặc thực dân. Ngày nay, kinh tế là mặt trận chính của chúng ta. Vì vậy cán bộ lãnh đạo cần phải biết kinh tế, biết kỹ thuật. Chưa biết thì phải cố gắng mà học cho biết”.

Năm 1966, nói chuyện với đảng viên mới của Hà Nội, Bác nhắc nhở: “Thời kỳ bí mật, điều kiện học tập của đảng viên rất khó khăn: thiếu thầy, thiếu sách, thiếu tự do, nhưng cán bộ và đảng viên vẫn quyết tâm vì cách mạng mà học. Bây giờ điều kiện thuận lợi nhiều, cho nên các cô các chú càng phải ra sức học tập cho tốt”.

Ngay đối với người già, Bác cũng nhắc nhở phải học tập. Năm 1961 về thăm quê hương lần thứ hai, nói chuyện với các cụ già, Bác tâm sự và cũng là nhắc nhở:

“Công việc ngày càng nhiều, càng mới. Một mặt Đảng phải đào tạo, dìu dắt đồng chí trẻ. Một mặt đảng viên già phải cố gắng mà học.

Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn việc nhỏ tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với hiểu biết của lớp trẻ bây giờ, kể cả ở Liên Xô, Trung Quốc, thì chúng mình dốt lắm. Tôi cũng dốt lắm!”.

Bác khiêm tốn tự nhận như vậy, thực ra tầm vóc trí tuệ của Bác, thế giới đều ca ngợi.

Đồng chí Gốt Hôn - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ viết: “Đồng chí Hồ Chí Minh là một lãnh tụ trong lĩnh vực lý luận và tư tưởng. Người là một lãnh tụ chính trị. Nhưng Người cũng là một lãnh tụ xuất sắc về quân sự. Đây không phải là những lĩnh vực cách biệt trong tài trí cao rộng của Người” .

Báo Diễn đàn nhân dân, cơ quan Trung ương của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan viết: “Mặc dù tuổi cao, Người không những giữ được hình dáng trẻ trung mà còn giữ được sự trong sáng của con người trai trẻ và trí tuệ minh mẫn”.

Báo chí Bungari ca ngợi Người có “tầm hiểu biết uyên bác về châu Á”.

Đồng chí Giôn Gôlan, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Anh, nói: “Đây quả là một con người vĩ đại nhưng không bao giờ tỏ ra mình là một con người vĩ đại”.

Chắc chắn mọi người đều đồng ý rằng tài trí cao rộng, trí tuệ minh mẫn, tầm hiểu biết uyên bác của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phần lớn là do Người suốt đời say mê học tập, luôn luôn nghiên cứu để làm giàu cho trí tuệ của mình.

Tấm gương Bác Hồ tự học mãi mãi và thường xuyên là bài học lớn cho mọi người chúng ta noi theo./.


Nguyễn Huy Hoan
Nguyên PGĐ Bảo tàng Hồ Chí Minh
(Nguồn: http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét